Mạng LAN là gì? Đây là thắc mắc của rất nhiều người dùng máy tính khi nghe tới khái niệm nay. Được biết tới như là một trong những mạng máy tính quan trọng nhất được dùng phổ biến trong các gia đình, tòa nhà, văn phòng, trường học,… mạng LAN giúp các thiết bị như máy tính, điện thoại, tablet, laptop,… dễ dàng kết nối mạng Internet nhanh chóng. Bạn đã biết gì về hệ thống mạng LAN nội bộ hay chưa?
Cùng tìm hiểu với Tipcongnghe.com chi tiết hơn về mạng LAN là gì, đặc điểm, công dụng của mạng LAN ngay trong bài viết dưới đây nhé!
1. Mạng LAN là gì?
Mạng LAN hay mạng máy tính cục bộ, mạng cục bộ, mạng máy tính nội bộ là từ viết tắt tiếng Anh của Local Area Network, là một hệ thống mạng máy tính cho phép các máy tính và thiết bị ngoại vi trong một phạm vi nhỏ có thể kết nối với nhau để cùng làm việc và chia sẻ dữ liệu.
Ứng dụng của mạng LAN là nhờ có hệ thống mạng cục bộ LAN mà các thiết bị như: máy tính bàn PC, máy in, điện thoại thông minh, smart tivi, máy tính bảng, máy scan, máy fax,… ở gần nhau trong cùng hệ thống có thể kết nối, giao tiếp với nhau để cùng chia sẻ dữ liệu, thông tin, sử dụng tài nguyên và làm việc, truy cập Internet.
Để bạn dễ hình dung, ví dụ về mạng LAN kết nối giữa các máy tính với các máy tính khác ở trong 1 gia đình, trong 1 phòng game hoặc 1 văn phòng.
Mạng LAN ra đời vào những năm 1970, đến nay, mạng LAN có vai trò quan trọng và ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống hiện đại, là cầu nối giúp các thiết bị mạng máy tính có thể sử dụng được mạng Internet. Hiện nay, hệ thống mạng cục bộ LAN là mạng máy tính thiết yếu trong cuộc sống, gần như được thiết lập trong tất cả các văn phòng, doanh nghiệp, công ty, bệnh viện, trường học, trung tâm dữ liệu,…
Theo định nghĩa mạng LAN từ Wikipedia:
“Mạng máy tính cục bộ, hay mạng cục bộ (tiếng Anh: Local area network – LAN), là một hệ thống mạng dùng để kết nối các máy tính trong một phạm vi nhỏ (nhà ở, phòng làm việc, trường học, v.v…). Các máy tính trong mạng LAN có thể chia sẻ tài nguyên với nhau, mà điển hình là chia sẻ tập tin, máy in, máy quét và một số thiết bị khác.”
>> Xem thêm: Mạng WAN là gì? Mạng MAN là gì?
2. Đặc điểm của mạng LAN
Mạng LAN có đặc điểm gì? Dưới đây là các đặc điểm chính của mạng LAN mà bạn nên biết:
- Các thiết bị dùng chung mạng LAN có thể chia sẻ tài nguyên (máy in, phần mềm ứng dụng, tệp tin, hình ảnh, ổ CD-ROM và các dữ liệu quan trọng khác) với nhau.
- Cách kết nối: Mạng LAN là một mạng máy tính đơn lẻ, các máy tính và máy chủ có thể được kết nối với nhau thông qua sợi cáp mạng LAN (cable) hoặc hệ thống mạng không dây (Wifi/ Wireless).
- Phạm vi sử dụng nhỏ: Phạm vi truyền tải của mạng LAN thông thường không vượt quá 100m. Mạng LAN ứng dụng trong 1 phạm vi địa lý giới hạn khu vực nhất định như các không gian hẹp, nhỏ: khuôn viên, nhà ở, văn phòng làm việc, trường học, toà nhà, phòng game,… Vì vậy nên mạng LAN được gọi là mạng cục bộ hay mạng nội bộ. Tại các tòa nhà rộng lớn, người ta có thể kết nối nhiều mạng LAN riêng lẻ lại với nhau để tạo thành mạng diện rộng WAN, các thiết bị thường được kết nối với một hoặc vài bộ phát wifi Router. Nếu các máy tính có phạm vi xa hơn muốn kết nối với nhau thì mạng LAN kết hợp với mạng Internet để trao đổi thông tin.
- Thiết lập mạng LAN cơ bản yêu cầu cáp Ethernet và thiết bị chuyển mạch Switch Layer 2 cùng các thiết bị để kết nối và truyền thông qua giao thức Ethernet. Các mạng LAN quy mô lớn hơn bao gồm Switch hoặc Router Lớp 3.
3. Ưu nhược điểm của mạng LAN
Sau khi đã hiểu rõ mạng LAN là gì? hãy cùng khám phá các ưu điểm và hạn chế của hệ thống mạng LAN.
+) Ưu điểm của mạng LAN:
- Chia sẻ, truyền tải dữ liệu tốc độ truyền tải cao giữa các máy tính, thiết bị ngoại vi. Mạng cục bộ LAN có tốc độ truyền tải cao, băng thông lớn (lớn hơn cả mạng WAN), khả năng hỗ trợ kết nối được nhiều thiết bị nhanh chóng. Điều này cho phép nhiều người dùng user có thể truy cập các ứng dụng trực tuyến như: học online, hội thảo, chiếu phim,… cùng lúc mà không bị giới hạn.
- Mức chi phí triển khai lắp đặt mạng LAN nội bộ khá tốt, quản trị mạng LAN cũng tương đối đơn giản dễ dàng, có thể mở rộng khi cần. Vì vậy, mô hình mạng LAN được nhiều tổ chức, công ty và doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trung bình lựa chọn sử dụng làm mạng doanh nghiệp.
- Độ bảo mật mạng cục bộ LAN khá tốt.
+) Nhược điểm của mạng LAN:
- Giới hạn về phạm vi truyền dẫn, chỉ sử dụng được trong quy mô hẹp.
>> Xem thêm: Thiết bị mạng là gì? Thiết bị đầu cuối là gì?
4. Cổng mạng LAN là gì?
Bên cạnh khái niệm mạng LAN thì chúng ta cần hiểu rõ về cổng LAN (LAN port) hay cổng mạng LAN. Bạn hẳn đã nghe tới cổng LAN trên máy tính PC, cổng cáp mạng RJ45 trên laptop. Vậy cổng mạng LAN (RJ45) trên máy tính, laptop là gì?
Cổng mạng LAN RJ45 (viết tắt của Registered Jack 45) là loại cổng kết nối vật lý mạng Ethernet được cấu tạo bởi dây cáp mạng RJ45 (cáp Ethernet) và hạt mạng RJ45 tạo nên 1 bộ dây cáp mạng, mục đích kết nối các thiết bị máy tính trong 1 điểm truy cập mạng LAN để chia sẻ dữ liệu hoặc giúp thiết bị được kết nối có thể truy cập mạng Internet thông qua cáp xoắn đôi.
- “RJ” viết tắt của “Registered Jack” là một giao diện mạng viễn thông được tiêu chuẩn hóa để kết nối thiết bị và dữ liệu với dịch vụ được các nhà cung cấp mạng.
- Số “45” là số tiêu chuẩn của giao diện.
Cổng mạng LAN còn gọi là cổng Ethernet, giắc cắm mạng bộ điều hợp mạng. Thông qua cổng LAN mà máy tính, tivi, laptop,… có thể truy cập tới mạng Internet nhanh chóng.
Một thiết bị cung cấp mạng như modem mạng, Router, Switch có thể có nhiều cổng Ethernet nhằm cung cấp kết nối mạng có dây cho nhiều thiết bị khác nhau cùng 1 lúc.
Hiện nay, mạng LAN ngày càng phát triển, cổng mạng LAN RJ45 đang là loại cổng mạng phổ biến nhất khi kết nối cáp mạng, được tích hợp trong nhiều thiết bị bên cạnh kết nối không dây.
Vị trí cổng mạng LAN thường nằm ở mặt sau của CPU máy tính, kích thước lớn hơn USB với máy tính bàn PC, nằm ở cạnh bên đối với laptop. Nhiều dòng laptop hiện đại mỏng nhẹ hiện nay đã lược bớt cổng này nên nếu cần kết nối mạng, bạn cần thiết bị chuyển đổi USB thành cổng LAN.
>> Xem thêm: Modem là gì?
5. Các loại kết nối trong mạng LAN
Mạng LAN có 2 loại kết nối chính là mạng LAN có dây và mạng LAN không dây. Hãy cùng mình tìm hiểu 2 loại kết nối này dưới đây:
5.1. Mạng LAN có dây
Mạng LAN có dây (Wired LAN) là mạng LAN sử dụng cáp Ethernet và thiết bị chuyển mạch để nhằm kết nối các thiết bị cuối, máy chủ hay thiết bị Internet vạn vật (IoT) lại với nhau. Mạng LAN có dây có thể sử dụng một bộ chuyển mạch LAN không được quản lý với đủ cổng Ethernet để kết nối tất cả các thiết bị trong các doanh nghiệp quy mô nhỏ với số lượng thiết bị hạn chế.
Ngược lại với những doanh nghiệp lớn tới hàng nghìn thiết bị thì để triển khai mạng LAN có dây cần bước cấu hình, yêu cầu các thiết bị được kết nối có phần cứng mạnh mẽ để hệ thống mạng hoạt động tối ưu nhất. Bởi vì nếu có quá nhiều thiết bị cùng kết nối với 1 mạng LAN gây ra hiện tượng quá tải và bị nghẽn mạng. Khi đó mạng LAN ảo (VLAN) ra đời – nhà cung cấp chia 1 mạng LAN thành nhiều VLAN nhỏ, giúp phân chia để giảm lưu lượng truy cập, dễ dàng quản lý, đem tới trải nghiệm sử dụng mạng ổn định, mượt mà nhất.
Đối với mạng LAN có dây thì bảo mật mạng kết thúc tại mỗi thiết bị nên mạng LAN có dây an toàn hơn mạng LAN không dây. Đồng thời tốc độ truyền tải thông qua kết nối có dây cáp Ethernet cũng nhanh hơn Wifi.
5.2. Mạng LAN không dây
Mạng LAN không dây hay mạng WLAN (Wireless Local Area Network – Mạng cục bộ không dây) là mạng LAN được thiết lập bằng cổng kết nối không dây, giúp kết nối các thiết bị ở phạm vi gần, cho phép các thiết bị trong mạng kết nối và trao đổi dữ liệu với nhau không cần dùng dây cáp mạng. WLAN sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật IEEE 802.11 để truyền dữ liệu giữa các thiết bị đầu cuối và mạng qua sóng vô tuyến tần số cao (tần số nằm trong khoảng 2,5GHz hoặc 5GHz) thay vì tín hiệu điện qua dây cáp. WLAN kết nối các thiết bị mạng trong một khu vực cục bộ như: nhà hàng, văn phòng, trường học, hoặc gia đình mà không cần tới dây cáp mạng.
Ưu điểm của mạng LAN không dây so với mạng LAN có dây là tính linh hoạt, tiết kiệm chi phí, không cần triển khai hệ thống cáp mạng LAN ở những khu vực khó đi dây hoặc cần sự gọn gàng. Đặc biệt hiện nay nhiều thiết bị thông minh ra đời như smartphone, máy tính bảng, laptop, smart tivi,…thì các công ty dùng mạng LAN không dây như 1 phương tiện kết nối chính.
Mạng LAN thường được cấu hình qua 1 thiết bị trung tâm là Access Point (AP) cung cấp điểm truy cập mạng cho các thiết bị khác có thể kết nối vào mạng WLAN để truy cập Internet hoặc trao đổi dữ liệu. Chúng ta có thể chuyển đổi mạng LAN thành WLAN nhờ dùng Access Point hoặc Router Wifi.
Bạn cần phân biệt WLAN và WiFi là 2 khái niệm khác nhau, nhưng trong 1 số trường hợp chúng thường được dùng đồng nghĩa. Cơ bản thì mạng WiFi chỉ là 1 loại mạng WLAN, nhưng không phải tất cả mạng WLAN đều là WiFi. Mạng WiFi thường dùng sóng vô tuyến băng tần 2.4GHz và 5GHz để kết nối các thiết bị. Trong WLAN, WiFi đóng vai trò là 1 trong các công nghệ mạng không dây phổ biến nhất.
>> Xem thêm: Mạng GAN là gì?
Tổng kết
Trên đây là tổng hợp kiến thức về mạng LAN là gì – 1 mô hình mạng quan trọng trong lĩnh vực mạng máy tính mà bạn nên biết. Đồng thời hiểu được các loại kết nối mạng LAN, công dụng của mạng LAN. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin chi tiết về mạng máy tính, hãy đăng ký follow Tip Công Nghệ để bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích khác nữa nhé.
Cám ơn bạn rất nhiều vì đã đọc qua bài viết này của mình.