Rất nhiều chủ xe hiện nay quan tâm tới cách đọc thông số lốp xe ô tô như thế nào là chính xác nhất? Nắm vững các thông số lốp xe ô tô quan trọng, các ký hiệu trên bề mặt lốp giúp cho bạn có thể hiểu rõ về lốp xe của minh, từ đó sử dụng lốp đúng cách, lựa chọn loại lốp phù hợp với xe, bơm lốp đúng áp suất, vận hành xe ở tốc độ phù hợp, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng xe ô tô. Trên thực tế, không phải anh em lái xe nào cũng nắm rõ hết các thông số lốp xe ô tô.
Bài viết này hãy cùng TipCongNghe.com tìm hiểu cách đọc thông số lốp xe ô tô cũng như khám phá ý nghĩa của các ký hiệu trên lốp xe ô tô.
1. Tại sao cần đọc hiểu thông số lốp xe ô tô?
Trước khi đến với phần hướng dẫn đọc thông số lốp xe ô tô, bạn cần biết được lý do vì sao cần phải hiểu ý nghĩa thông số lốp ô tô. Tại sao cần phải nắm được ý nghĩa thông số lốp ô tô?
Lốp xe ô tô là bộ phận rất quan trọng của chiếc xe, nó nâng đỡ toàn bộ trọng lượng xe và trực tiếp liên kết giữa xe với mặt đường, là yếu tố tác động tới trải nghiệm đi xe, đảm bảo tính an toàn cũng như đem tới cảm giác thoải mái cho người đi xe. Lốp xe cũng ảnh hưởng rất lớn tới khả năng hoạt động của hầu hết các công nghệ khác trên xe.
Thông thường khi mua xe, chúng ta chỉ quan tâm tới 1 số thông số cơ bản như: kích thước lốp, hãng sản xuất, giá thành mà ít quan tâm tới các thông số khác. Nhiều lái xe cho rằng việc tìm hiểu về ý nghĩa của các ký hiệu, thông số trên lốp xe ô tô là không cần thiết. Tuy nhiên, việc hiểu rõ thông số từ đó chọn mua đúng lốp ô tô là điều rất quan trọng nhất là khi bạn muốn thay thế lốp cho xế cưng.
Nếu bạn đang sở hữu một chiếc xế hộp, hãy cùng xem ngay những lợi ích tại sao bạn cần phải hiểu rõ các thông số của lốp ô tô:
- Chọn được lốp xe ô tô phù hợp nhất: sử dụng đúng lốp ô tô phù hợp là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng và sự an toàn khi lái xe. Khi hiểu rõ ý nghĩa thông số lốp ô tô từ đó sẽ có chọn lựa chính xác và phù hợp nhất với chiếc xe của mình, giúp bạn chọn đúng loại lốp chuẩn của xe khi cần thay thế, sửa chữa. Bạn sẽ hiểu được lốp xe có kích thước ra sao, các chỉ số vận hành tối đa, phù hợp với điều kiện sử dụng nào, thời gian sử dụng của lốp,… Việc lựa chọn đúng size lốp xe cũng rất quan trọng vì ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của các bộ phận khác trên ô tô.
- Đảm bảo an toàn, hạn chế các sự cố liên quan lốp xe: thông thường, mỗi dòng xe ô tô sử dụng một loại lốp xe chuyên biệt, phù hợp với từng khả năng vận hành. Việc lựa chọn đúng loại lốp ô tô phù hợp với nhu cầu sử dụng và từng điều kiện vận hành như: thời tiết, mặt đường, tốc độ tối đa, áp suất tối đa,… sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho bạn và những người xung quanh. Nếu không chọn đúng loại lốp đạt tiêu chuẩn chất lượng, rất dễ xảy ra các sự cố liên quan đến lốp xe như: nổ lốp khi đang chạy ở tốc độ cao, lốp quá ồn, dễ bị “đá chém”, khả năng bám đường thấp, lốp nhanh mòn,… gây thiệt hại cho xe cũng như ảnh hưởng đến tính mạng những người trên xe.
- Tránh mua phải lốp giả, lốp kém chất lượng: trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại lốp xe ô tô giả, nhái, kém chất lượng, thậm chí lốp cũ nhưng đã được tu sửa thành lốp mới rồi bán ra thị trường. Điều này vô cùng nguy hiểm vì những loại lốp này không đáp ứng được tiêu chuẩn để lưu thông. Nếu như không hiểu được các thông số lốp xe, bạn rất dễ bị đánh lừa bởi các loại lốp kém chất lượng này.
- Đảm bảo cho xe đạt điều kiện khi đi đăng kiểm: sử dụng đúng loại lốp xe là điều kiện cần thiết để vượt qua các tiêu chuẩn bắt buộc khi đăng kiểm ô tô.
Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia về xe đó là bạn nên nắm vững cách đọc thông số lốp xe ô tô trước khi mua bất kì chiếc lốp nào. Chỉ cần chú ý quan sát và hiểu đúng các thông số lốp xe ô tô, bạn có thể nắm rõ hầu hết các thông tin liên quan đến lốp, giúp cho quá trình chọn mua lốp khi thay bánh xe dễ dàng và nhanh chóng hơn.
> Xem thêm: Taplo là gì? Ý nghĩa 64 biểu tượng trên taplo ô tô
2. Tìm thông số kích thước lốp xe ô tô nằm ở đâu?
Để lựa chọn được loại lốp xe phù hợp, bạn cần nắm rõ các thông số kích thước lốp xe. Thông thường, các thông số của lốp xe ô tô sẽ được nhà sản xuất ô tô mô tả trong sách hướng dẫn sử dụng xe kèm theo. Tại đây, chủ xe cũng tìm thấy những thông tin khuyến cáo từ nhà sản xuất về lựa chọn, sử dụng loại lốp xe phù hợp cho dòng xe của mình.
Ngoài ra, thông số kích thước lốp ô tô cơ bản có thể được tìm thấy tại:
- Bề mặt ngoài của lốp.
- Thanh đứng khung cửa cạnh ghế lái.
- Phía sau nắp ngăn đựng găng tay.
- Trên nắp bình xăng.
- Phiếu thông tin kèm theo lốp mới mua chứa các thông tin quan trọng về thông số lốp xe.
3. Hướng dẫn cách đọc thông số lốp xe ô tô cơ bản chi tiết từ A-Z
Khi xem thông số lốp, bạn sẽ gặp những chỉ số bằng chữ và số, ký hiệu chi chít. Dù vậy khá nhiều người bối rối không hiểu rõ hết ý nghĩa của những chỉ số này, nhất là với các bạn mới lái. Như trên chúng ta đã biết tới lợi ích của việc nắm rõ các thông số lốp giúp ích trong việc mua và thay thế, sửa chữa lốp xe, hỗ trợ nâng cấp đổi loại lốp phù hợp từ đó giúp cho xe vận hành êm ái, mượt mà, đảm bảo an toàn.
Hãy cùng Tip Công Nghệ giải mã ngay những thông số này một cách đơn giản, dễ hiểu nhé! Tổng quan thì có khoảng 12 thông số lốp xe ô tô chính bạn cần nắm vững.
3.1. Đọc tên nhà sản xuất và tên lốp
Bạn quan sát trên bề mặt lốp có thể bắt gặp thông tin về tên nhà sản xuất và tên lốp. Chúng thường được in dập nổi, dạng chữ cái in hoa hoặc thường, kết hợp chữ cái và số, kích thước to rõ ràng, nằm ở vòng ngoài của lốp và có thể có hoặc không kết hợp cùng chữ số. Tên các hãng lốp xe nổi tiếng như: Michelin, Dunlop, Gooyear, Bridgestone, Pirelli,…
Một số ví dụ như: Michelin Primacy 4, Goodyear’s Eagle F1 GS-D3, Hankook Ventus R-S2 Z212, Kumho Ecsta MX, Bridgestone Turanza T005, Continental CC6, Pirelli P Zero, Michelin Pilot Sport 3ST,…
3.2. Thông tin mô tả dịch vụ loại lốp
Thông số tiếp theo là mô tả dịch vụ của lốp cho dòng xe nào hoặc mục đích gì. Mặc dù không phải loại lốp nào cũng có ghi thông số này. Nếu có thì ký hiệu chữ cái in hoa sẽ thường nằm bên hông lốp (phía trước tên lốp). Bạn hãy quan sát và hiểu rõ ý nghĩa như sau:
- P (Passenger): loại lốp cho xe con, xe gia đình, xe du lịch, xe chở khách.
- LT (Light Truck): loại lốp cho xe tải nhẹ, xe bán tải.
- ST (Special Trailer): loại lốp cho xe đầu kéo đặc biệt, xe mooc chuyên dụng.
- T (Temporary): loại lốp thay thế tạm thời, lốp dự phòng.
- C (Commercial): loại lốp dành cho xe chở hàng thương mại, xe tải hạng nặng.
3.3. Chiều rộng lốp
Thông tin quan trọng tiếp theo là chiều rộng lốp (Section width) nằm bên hông lốp, ngay sau mô tả dịch vụ và có dấu gạch chéo ở giữa. Thông tin chiều rộng lốp là 3 chữ số đầu tiên với đơn vị milimet (mm), giá trị trong khoảng 155 – 315.
Chiều rộng lốp, độ rộng lốp được đo từ vách này tới vách kia của phần bề mặt lốp tiếp xúc với mặt đường, chính là khoảng cách giữa 2 thành lốp. Lưu ý rằng độ rộng lốp thực tế có thể không khớp hoàn toàn với con số này nhưng nó rất gần.
Ví dụ: lốp xe ghi P225 thì đây là lốp xe chở khách có chiều rộng lốp là 225mm. Lốp P205 thì là lốp xe gia đình có chiều rộng mặt lốp là 205mm.
Cơ bản thì con số này càng lớn thì bề mặt tiếp xúc của lốp với mặt đường càng lớn, như vậy độ bám đường tốt hơn, tuy nhiên có thể tạo nhiều tiếng ồn hơn khi đi trên đoạn đường xấu.
3.4. Biên dạng lốp
2 số tiếp theo nằm tiếp theo chiều rộng lốp, sau dấu gạch chéo là biên dạng lốp (Aspect Ratio). Đây là tỷ lệ phần trăm % giữa chiều cao hông lốp và chiều rộng mặt lốp. Thông thường giá trị từ 45-75% với hầu hết các xe con. Dựa vào biên dạng lốp, bạn có thể tính được chiều cao của thành lốp (bề dày của lốp đo từ vành bánh xe đến mặt gai lốp). Các nhà sản xuất lốp tính toán tỉ lệ này bằng cách lấy độ cao thành lốp chia cho độ rộng bề mặt lốp. Nếu lốp xe có tỷ số là 70, bề dày lốp bằng 70% độ rộng bề mặt lốp.
Ví dụ:
- Thông số lốp P225/45R17 thì chiều rộng lốp là 225mm, biên dạng lốp là 45% => chiều cao thành lốp = 225*45%=101.25mm
- Lốp P225/60R16 thì độ cao thành lốp = 225mm x 60% = 135mm.
Tỉ số này càng lớn thì lốp càng dày, khả năng cách âm, độ êm ái càng cao. Ngược lại lốp càng mỏng, khả năng cách âm kém, nhưng đem lại khả năng xử lý và phản ứng tốt hơn.
3.5. Cấu trúc lốp
Cấu trúc lốp được hiển thị bằng chữ R và nằm ngay sau biên dạng lốp. Cấu trúc lốp thường được thể hiện dưới các chữ cái hoa gồm R, B,D, E. Trong đó loại R (cấu trúc lốp bố thép tỏa tròn Radial) viết tắt của lốp Radial là loại lốp thông dụng nhất tại Việt Nam. Lốp Radial là loại cấu trúc lốp hướng tâm dạng bố thép (một tiêu chuẩn công nghiệp của xe ô tô con). Cấu trúc lốp B, D, E thì hiếm gặp hơn. B – lốp belted bias-ply nghĩa là độ lệch đai và D – lốp diagonal bias construction là viết tắt của cấu trúc độ lệch đường chéo, các lớp chéo nhau trên 1 đường chéo.
Ví dụ: lốp P225/70R16
3.6. Đường kính mâm xe (la-zăng)
Bạn cũng cần biết cách đọc thông số lốp xe ô tô gồm đường kính mâm xe (Rim Diameter). Đường kính mâm xe hay vành xe (la-zăng) là đường kính của vành bánh xe vừa vặn với lốp, tính theo đơn vị inch (1 inch = 2.54 cm).
Thông số này thường nằm ngay sau cấu trúc lốp, mỗi loại xe sẽ sử dụng một size vành xe nhất định.
Ví dụ: bánh xe có thông số P225/60R16 91S thì vừa với mâm xe có đường kính 16 inch ~40.64cm.
Giá trị phổ biến của đường kính mâm xe thường số chẵn từ 8-28. Dựa theo đường kính mâm xe, các thợ kỹ thuật tại cửa hàng lốp sẽ căn cứ vào đó để chọn loại lốp xe phù hợp. Trường hợp muốn thay đổi đường kính mâm xe, nếu bạn thay đổi kích thước mâm xe mới lớn hơn/ nhỏ hơn mâm xe nguyên bản, khi đó bạn phải chọn bộ lốp xe mới tương ứng mỏng hơn/ dày hơn.
>> Xem thêm: Auto Hold là gì? Phanh tay điện tử là gì?
3.7. Chỉ số tải trọng tối đa cho phép
Tiếp theo là chỉ số tải trọng tối đa cho phép Load Index (LI) nằm cạnh thông số đường kính mâm xe. Thông số quan trọng này cho biết khả năng giới hạn chịu tải trọng tối đa của lốp xe khi đã bơm đầy, khi giá trị càng lớn, mức tải của lốp càng cao. Người dùng lưu ý, chỉ sử dụng lốp có chỉ số tải trọng tối đa cùng bằng hoặc cao hơn, tuyệt đối không dùng lốp có chỉ số LI thấp hơn giá trị của lốp nguyên bản. Điều này nhằm đảm bảo cho lốp xe chịu được tải trọng tối đa của xe khi vận hành.
Dưới đây là bảng giá trị chỉ số tải trọng tối đa cho phép của lốp xe
Ví dụ: lốp P225/70R16 91S có chỉ số LI là 91, tải trọng tối đa của lốp xe chịu được 615kg. Khi thay bánh xe, bạn chỉ dùng lốp có chỉ số bằng 91 hoặc cao hơn. Lưu ý đây là mức tải trọng trên 1 lốp xe, để tính toán tải trọng toàn xe, bạn cần nhân lên 4 bánh xe và thêm tải trọng của người, hàng hóa,…
3.8. Chỉ số tốc độ tối đa của lốp xe ô tô
Bên cạnh chỉ số tải trọng tối đa cho phép là chữ cái in hoa thể hiện chỉ số tốc độ tối đa của lốp xe H (Speed rating). Đây là tốc độ tối đa mà xe ô tô có thể đạt được khi lốp đó lắp vào xe, cho biết mức độ tải hàng của lốp tương ứng với tốc độ di chuyển.
Một số chỉ số phổ biến:
- Q: 160 km/h
- R: 170 km/h
- S: 180 km/h
- T: 190 km/h
- U: 200 km/h
- H: 210 km/h
- V: 240 km/h
- Z: trên 240 km/h
Lốp xe có chỉ số tốc độ S chịu được tốc độ đến 180km/h, trong khi lốp xe có chỉ số R thì chịu được tốc độ đến 170km/h.
Tương tự chỉ số tải trọng, bạn tham khảo bảng chỉ số tốc độ tối đa của lốp xe, với mối mức tốc độ tương ứng ký hiệu 1 chữ cái từ A-Z theo độ lớn tăng dần. Lưu ý, giá trị tốc độ trong bảng chỉ áp dụng khi lốp hoàn toàn bình thường, không hỏng, non hơi hay xe đang vận chuyển quá nặng. Chọn đúng loại lốp có chỉ số vận tốc phù hợp hạn chế việc nổ lốp, trượt lốp khi xe đi tốc độ quá cao.
Chỉ số tốc độ lốp xe |
Tốc độ tối đa |
|
mph | km/h | |
M | 81 | 130 |
P | 93 | 150 |
Q | 99 | 160 |
R | 106 | 170 |
S | 112 | 180 |
T | 118 | 190 |
H | 130 | 210 |
V | 150 | 240 |
W | 169 | 270 |
Y | 187 | 300 |
ZR | Trên 150 | Trên 240 |
Ví dụ: lốp P215/65R1598H có chỉ số tốc độ H chịu được tốc độ tối đa 210km/h.
3.9. Chỉ số chịu nhiệt
Chỉ số ghi trên lốp xe ô tô với dòng chữ TEMPERATURE A, B hoặc C nằm bên trong lốp nghĩa là khả năng chịu nhiệt của lốp xe ô tô ở tốc độ cao nhất. Các mức chịu nhiệt của lốp xe được nhà sản xuất quy định bằng ký hiệu A, B, C với thứ tự tương ứng về mức độ chịu nhiệt giảm dần. Trong đó A là mức cao nhất, B là mức trung bình và C là mức chịu nhiệt kém nhất.
3.10. Năm sản xuất
Khi quan sát lốp xe bạn cũng có thể gặp thông số gồm 4 chữ số để chỉ năm sản xuất. 2 chữ số đầu là tuần sản xuất, 2 chữ số sau là năm sản xuất.
Ví dụ: lốp có 4 số 0907 nghĩa là lốp được sản xuất vào tuần thứ 9 năm 2007. Lớp 3220 là lốp được sản xuất tuần 32 năm 2020.
Đây cũng là thông số rất quan trọng giúp bạn biết được thời gian sản xuất, từ đó tính được hạn sử dụng của lốp xe, biết được khi nào nên thay lốp mới. Nếu chỉ số này quá lâu thì chiếc lốp đã được sản xuất quá lâu, khi đó không còn đảm bảo chất lượng, hoạt động kém hiệu quả hơn, mất đi hết các tính năng vốn có, ảnh hưởng tới độ an toàn của xe khi di chuyển.
Thông thường thời hạn sử dụng của các loại lốp ô tô hiện nay rơi vào khoảng 5-6 năm. Ví dụ với dãy số 1819 thì lốp sản xuất vào tuần 18 của năm 2019. Thời hạn sử dụng lốp tối đa khoảng tới năm 2024-2025.
3.11. Chỉ số áp suất tối đa của lốp xe ô tô
Thông số kỹ thuật chỉ số áp suất lốp tối đa MAX. PRESS. (viết tắt của Max Pressure) (đơn vị PSI hoặc kPa) nằm ở viền trong của lốp, cho biết áp suất tối đa mà lốp xe chịu được, từ đó tính toán được áp suất phù hợp để tối đa hóa hiệu suất hoạt động của lốp. Trong quá trình sử dụng, bạn chỉ nên bơm lốp ở giá trị thấp hơn mức chỉ số này nhằm đảm bảo không xảy ra sự cố với lốp, tiết kiệm nhiên liệu, tuyệt đối không được bơm quá giới hạn. Nếu bơm cao hơn có thể khiến nổ lốp.
Giá trị áp suất lốp ô tô khuyến cáo cũng có thể được nhà sản xuất in trên tem kỹ thuật dán tại vị trí gần bệ cửa người lái hoặc trong số hướng dẫn sử dụng.
3.12. Mã DOT
Dòng mã quan trọng được in trên thành bên trong gần vành lốp xe được bắt đầu bằng “DOT” được gọi là mã DOT. Nó bắt đầu bằng “DOT” và số hiệu của lốp – TIN (Tire Identification Number), theo sau là 8-13 chữ cái/ hoặc số nhằm xác định nơi sản xuất lốp, kích cỡ lốp, mã nhà sản xuất, tuần và năm lốp được sản xuất.
DOT là viết tắt của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. Mã DOT là chứng nhận về sự tuân thủ của nhà sản xuất lốp xe đối với các tiêu chuẩn an toàn về lốp xe của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT).
Ví dụ: DOT AF WD9E 0523; DOT 4B08 4DHR 2910; DOT 120 C04001 2021.
Hãy cùng phân tích mã DOT 4B08 4DHR 2910 để hiểu rõ hơn:
- Nhóm mã đầu tiên (4B) với từ 2-3 ký tự có thể là chữ hoặc số, là mã của nhà máy sản xuất lốp xe.
- Nhóm mã thứ hai (08) với không quá 2 ký tự, quy định kích thước lốp.
- Nhóm mã thứ ba (4DHR) không quá 4 ký tự là mã tùy chọn do nhà sản xuất đặt theo kích thước hoặc đặc tính của lốp.
- Nhóm mã cuối cùng (2910) chính là thông số năm sản xuất ở mục 3.10), cho ta biết được thời gian sản xuất của lốp. Như trong ví dụ là tuần thứ 29 của năm 2010.
>> Xem thêm: Taplo là gì? Nắp capo là gì?
3.13. Mã UTQG – Chỉ chất lượng lốp
Mã UTQG (The Uniform Tire Quality Grading) là Hệ thống phân hạng chất lượng lốp đồng nhất được, hệ thống này được thành lập bởi Cơ quan An toàn giao thông quốc gia của Hoa Kỳ NHTSA, dựa theo 3 tiêu chuẩn cũng chính là 3 thông số nhỏ có thể được in trên lốp xe:
- Treadwear: thông số về độ kháng mòn gân lốp xe, đây là chỉ số so sánh với vật thể là 1 loại lốp chuẩn có độ kháng mòn là 100. Ví dụ Treadwear 240 thì con số 240 nghĩa là lốp trên có độ kháng mòn bằng 240% so với lốp so sánh. Tuy nhiên, mỗi hãng lốp xe có 1 tiêu chuẩn riêng, nên Treadwear chỉ được dùng để so sánh lốp xe trong cùng một hãng mà thôi.
- Traction: độ bám mặt đường của lốp, số đo khả năng dừng của lốp theo hướng thẳng trên mặt đường trơn, gồm 4 mức độ AA, A, B và C (AA là mức cao nhất, A là tốt, B là trung bình, C kém nhất). Nếu chiếc lốp bị đánh giá dưới mức C tức là chưa đạt đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho các phương tiện giao thông.
- Temperature: mức chịu nhiệt của lốp xe, cũng chính là mục 3.9) bên trên, đây là khả năng lốp có thể chịu được lượng nhiệt sản sinh ra khi xe chạy ở tốc độ cao cũng như đánh giá khả năng tỏa nhiệt hiệu quả. Mức chịu nhiệt được xếp theo thang từ A đến C, tốt nhất là A, trung bình là B, C là kém nhất. Tại Mỹ, bất cứ chiếc lốp xe hơi nào được bán ra phải có mức chịu nhiệt được đánh giá từ mức C trở lên, ít nhất phải chịu được tối đa là 85mph.
3.14. Một số ký hiệu khác trên lốp xe ô tô
Ngoài những thông số lốp xe ô tô cơ bản trên, bạn có thể bắt gặp nhiều ký hiệu thông số khác nhau được in dập nổi hoặc chìm với kích cỡ nhỏ hơn, thường nằm ngoài rìa lốp hoặc viền trong lốp như:
- Điều kiện đường để lốp hoạt động: được phân loại theo điều kiện mặt đường, thời tiết, các mùa trong năm. Ví dụ: M+S /M&S (Mud and Snow) nghĩa là lốp xe đạt yêu cầu tối thiểu khi đi trên đường tuyết và đường nhiều bùn lầy. Ngoài ra còn có ký hiệu M+SE, tương tự lốp M+S nhưng độ bám tốt hơn trên đường nhiều tuyết, nhiều sỏi đá.
- Tubeless: Lốp không săm.
3.15. Gai lốp ô tô
Ngoài các thông số được nhà sản xuất in trên lốp xe, bạn cũng cần quan tâm tới yếu tố gai lốp ngay trên bề mặt lốp xe. Gai lốp là yếu tố quan trọng giúp bạn biết được xe có độ bám đường cao hay thấp, giúp xe có độ ma sát, giảm được tình trạng bị trượt bánh, giảm hao mòn cho phanh xe. Các loại gai lốp phổ biến như gai đối xứng, gai mũi tên, gai bất đối xứng.
Quan sát tình trạng gai lốp xe giúp biết được khi nào bạn nên thay lốp xe mới. Nếu độ sâu gai lốp không nằm trong ngưỡng 1.6-3mm thì lốp đã bị mòn, độ sâu càng nhỏ nghĩa là lốp xe ô tô bị mòn càng nhiều.
4. Ví dụ cách đọc thông số lốp xe ô tô cụ thể
Ví dụ thực tế cách đọc 1 loại lốp xe ô tô như sau:
Các thông số trên lốp ở hình trên là: 225/45R19 92W
- Chiều rộng của lốp là 225mm
- Bề dày lốp bằng 45% chiều rộng lốp (101.25mm)
- Đây là loại lốp Radial
- Đường kính la-zăng là 19 inch (483mm)
- Tải trọng của lốp là 92 (630kg)
- Tốc độ tối đa là W (270km/h)
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ thông tin hướng dẫn các bạn cách đọc thông số lốp xe ô tô cơ bản chi tiết nhất, giúp bất cứ anh em lái xe nào cũng hiểu được ý nghĩa cụ thể của các thông số trên lốp xe ô tô. Hy vọng bài viết của TipCongNghe.com đã đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích về lốp xe từ đó đảm bảo an toàn khi sử dụng lốp xe cho xế yêu của mình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và đừng quên theo dõi chuyên mục Xe hơi tại blog Tip Công Nghệ nhé!