Phanh tay điện tử là gì? Ngày nay, hệ thống phanh tay điện tử đã và đang ngày càng trở nên phổ biến và dần thay thế phanh tay cơ khí, không chỉ trên các dòng xe hơi cao cấp mà ngay cả phân khúc xe phổ thông cũng đã được trang bị. Được đánh giá là tính năng vượt trội, phanh tay điện tử hỗ trợ người lái an toàn hơn khi lái xe, đảm bảo tránh rơi vào các tình huống nguy hiểm nhờ việc tự động điều khiển hoàn hảo. Tuy nhiên nhiều tài xế nhất là người lái mới vẫn chưa hiểu rõ về hệ thống này cũng như các ưu nhược điểm, cách sử dụng phanh tay điện tử đúng cách ra sao.
Để hiểu rõ hệ thống phanh tay điện tử là gì? Cách dùng phanh tay điện tử trên ô tô như thế nào, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Tip Công Nghệ.
1. Phanh tay điện tử là gì?
Phanh tay điện tử (thuật ngữ tiếng Anh là Electronic parking brake – EPB hay Electronic handbrake) hay còn gọi là phanh đỗ xe điện tử, thắng tay điện tử, là loại phanh được điều khiển điện tử hoàn toàn tự động. Nghĩa là, hệ thống phanh tay điện tử là một trong những trang bị tiện ích giúp việc phanh và xả phanh đỗ xe trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn.
Vị trí đặt của nút phanh tay điện tử rất dễ nhận biết, thường bố trí là 1 nút bấm lẫy nhỏ nằm gần khu vực cần số hoặc bảng taplo của xe, có ký hiệu chữ P nằm trong một vòng tròn.
Phanh tay điện tử ra đời là một hệ thống trang bị an toàn thông minh và điều khiển tự động trên xe ô tô với chức năng cũng giống như loại phanh tay thông thường, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng trong các trường hợp dừng đỗ xe. Bên cạnh đó, phanh tay điện tử giúp tránh rủi ro nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người lái khi tránh được tình huống quên kéo/ hạ phanh tay khi dừng, đỗ xe – đặc biệt với tài xế chưa có nhiều kinh nghiệm, hay vướng lỗi quên kéo hạ phanh tay.
Phanh tay điện tử EPB bao gồm kích hoạt một nút (thay vì cần gạt), thông qua tín hiệu điện được gửi bởi bộ điều khiển, sẽ kích hoạt một cơ cấu để khóa phanh của ô tô.
Để sử dụng phanh tay điện tử, người lái không cần dùng lực kéo như là với phanh tay cơ, mà chỉ cần ấn nút bấm phanh tay điện tử. Lúc này, hệ thống phanh đỗ xe điện tử sẽ ngay lập tức can thiệp vào hệ thống phanh của xe giúp xe đứng yên không di chuyển một cách ổn định và an toàn hơn. Hoặc nếu xe được đặt ở chế độ phanh tay điện tử tự động thì khi đỗ xe P hoặc tắt, xe cũng sẽ tự động kích hoạt EPB.
Hiện nay, hệ thống phanh tay điện tử ngày càng trở nên phổ biến trên hầu hết dòng xe ô tô và dần thay thế cho loại phanh tay cơ khí thông thường, giúp người lái vận hành thuận tiện hơn. Theo nguyên lý hoạt động, thông thường hệ thống phanh tay điện tử còn được tích hợp cùng tính năng giữ phanh tự động Auto Hold.
>> Xem thêm: Cách xử lý khi xe bị kẹt chân ga
2. Cấu tạo của hệ thống phanh tay điện tử
Phanh tay điện tử là công nghệ ngày càng được áp dụng rộng rãi trên nhiều dòng xe hơi mới và dần thay thế phanh tay cơ khí. Tuy nhiên, nhiều lái xe mới vẫn chưa thực sự hiểu rõ về cấu tạo của hệ thống EPB này.
Cấu tạo chính của một hệ thống phanh điện từ hoàn chỉnh sẽ gồm 2 thành phần chính là thành phần điện và thành phần cơ khí. Có 2 cơ chế hiện đang được sản xuất, hệ thống kéo cáp và hệ thống tích hợp Caliper.
Một hệ thống phanh tay điện tử EPB được cấu tạo gồm các bộ phận cơ bản sau đây:
- Nút bấm kích hoạt/ công tắc phanh tay: thiết bị mà phanh tay điện tử có thể được kích hoạt và vô hiệu hóa bằng tay.
- Công tắc nguồn chính: được lắp ở khoang bình điện có vai trò kết nối cực dương của bình điện với nguồn bộ điều khiển phanh điện từ. Đây là công tắc nguồn tổng của hệ thống phanh điện từ.
- Bộ điều khiển điện tử ECU (Electronic Control Unit): đây là bộ vi xử lý trung tâm của hệ thống phanh tay điện tử. Nó nhận tín hiệu kích hoạt EPB (thủ công hoặc tự động) và xử lý tín hiệu đó để gửi thông tin đến hệ thống phanh.
- Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS): bộ phận điều khiển phanh ABS này giúp phanh an toàn và hiệu quả. Nó nhận thông tin từ các bộ phận khác nhau của xe (cảm biến bánh xe, công tắc bàn đạp phanh, điều khiển lực kéo, v.v,…) và xử lý thông tin đó để điều chỉnh và đạt được mức phanh tối ưu.
- Cảm biến (vị trí bàn đạp ly hợp, bàn đạp chân ga, vị trí phanh): gửi thông tin đến các thành phần khác để xử lý.
- Động cơ servo hoặc động cơ điện (Electric Motor): bộ truyền động dẫn động pít tông để tạo lực kích hoạt kẹp phanh. Nó được điều khiển bởi ECU, dùng tạo ra lực phanh bằng cách kéo cáp phanh.
- Đèn hiển thị trạng thái trên mặt đồng hồ táp lô: hiển thị hoạt động của phanh điện tử và chẩn đoán hư hỏng của hệ thống nếu có.
- Các bộ phận phanh sau: hoạt động theo thông tin nhận được từ bộ điều khiển.
- Các bộ phận hỗ trợ khác: công tắc giữ ga tự động Auto Hold, công tắc áp suất lốp,…
>> Tham khảo: Cruise Control là gì?
3. Nguyên lý hoạt động của phanh tay điện tử là gì?
Dù ô tô sử dụng hệ thống phanh điện tử hay phanh tay cơ thì nguyên tắc vẫn như nhau: kéo cần gạt sẽ khóa bánh sau để ô tô không chuyển động khi bạn không muốn.
Phanh tay điện tử hoạt động trên cơ sở tương tự nhưng sử dụng động cơ điện để đạt được tác dụng khóa.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh tay điện tử dựa trên việc sử dụng mô-tơ/ động cơ điện để hỗ trợ hãm và nhả phanh thông qua lẫy nút bấm phanh tay điện tử ký hiệu chữ P. Cụ thể là:
- Hệ thống phanh tay điện tử được điều khiển tự động bởi bộ điều khiển đỗ xe điện tử ECU hoặc điều khiển trực tiếp bởi người lái qua công tắc (P) dạng gạt hoặc bấm nằm trên bảng điều khiển xe.
- Khi có tín hiệu đến, động cơ điện riêng biệt được đặt trên mỗi phanh làm việc quay, chuyển động quay này được truyền tới cơ cấu bánh răng bằng dây đai (ròng rọc dây đai định thời). Cơ cấu bánh răng (hộp số) này làm giảm tốc độ quay và chuyển chuyển động quay thành lực đẩy, đẩy piston phanh tới các má phanh và đẩy phanh vào các đĩa hoặc guốc phanh lên phanh tang trống. Khi nhấn nút phanh tay điện tử, bạn có thể nghe thấy âm thanh của cơ cấu trong bộ kẹp phanh. Điều này nghĩa là xe đã được cố định chắc chắn, sẽ không di chuyển.
- Khi phanh và má phanh nằm trên đĩa, do động cơ điện sẽ hút nhiều dòng điện nên đo được mức tăng dòng điện này, lúc này dòng điện bị cắt và quá trình phanh kết thúc. Nếu muốn mở phanh đỗ điện tử, chốt đẩy pít-tông về phía trước sẽ được kéo về phía sau bằng cách quay ngược lại và phanh sẽ được nhả ra.
- Cơ cấu phanh điện được tích hợp với cơ cấu phanh thủy lực. Một trục chốt được đặt bên trong piston phanh chứa đầy thủy lực, lấy lực đẩy từ động cơ điện và đẩy piston.
Như đã đề cập ở trên, hoạt động của phanh tay điện tử dựa trên sự kích hoạt của nút bấm khóa phanh xe. Có 2 kiểu vận hành phanh tay điện tử khác nhau:
- Phanh đỗ điện điều khiển bằng động cơ servo: nó hoạt động nhờ một động cơ điện nhỏ được đặt trong mỗi kẹp phanh để khóa từng bánh xe.
- Phanh đỗ xe điện hoạt động bằng dây: hoạt động bằng một động cơ làm căng dây và cho phép cơ cấu hoạt động trên mỗi bánh xe.
4. Ưu điểm và nhược điểm của phanh tay điện tử
Thắng tay điện tử trên xe ô tô có ưu và nhược điểm gì? Có thể thấy rằng phanh tay điện tử là tính năng hiện đại được trang bị ngày càng rộng rãi trên ô tô. Dưới đây là những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống này.
4.1. Ưu điểm của phanh tay điện tử
Có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống phanh tay điện tử là một trong những trang bị tiện ích thông minh đem đến rất nhiều lợi ích nổi bật cho người lái. Phanh tay điện tử có rất nhiều ưu điểm nổi bật so với phanh tay cơ:
- Tự động hóa hiện đại: hệ thống phanh tay điện tử EPB tự động, độ chính xác cao và hiệu quả, có thể nhận biết và tự động đưa về chế độ khóa Lock khi xe dừng đỗ. Khi sử dụng chế độ phanh tay điện tử tự động, bạn chỉ cần chuyển cần số về vị trí P thì phanh tay điện tử tự động được kích hoạt.
- Tự động Unlock khi người lái đạp chân ga: nếu bạn quên nhả phanh trong lúc đang đạp ga, hệ thống phanh tay sẽ tự động bật tính năng Unlock với điều kiện tài xế đã thắt dây an toàn + cửa bên lái đóng kín và nhả phanh đảm bảo an toàn cho xe, giúp cho xe không kẹt hoặc cháy phanh, trơ lì má phanh.
- Hỗ trợ dừng và khởi hành ngang dốc: phanh tay điện tử tự động dừng kích hoạt khi xe di chuyển và có khả năng giữ phanh tự động (Auto Hold) khi xe dừng trên đường dốc. Hệ thống phanh tay điện cũng cung cấp tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc Hill Start Assistant áp dụng hệ thống phanh ở bánh sau và được sử dụng trên đường dốc để tránh trôi xe.
- Thao tác sử dụng đơn giản, dễ dàng: bạn chỉ cần nhấn hoặc nhả nút bấm là đã có thể kích hoạt hệ thống phanh đỗ xe điện tử, thay vì phải mất khá nhiều sức lực để kéo thả phanh tay cơ khí truyền thống. Phanh tay điện tử rõ ràng rất dễ thao tác, đặc biệt với chị em phụ nữ.
- Độ an toàn cao khi lái xe: phanh xe điện tử cung cấp khả năng bảo vệ an toàn cao thể hiện rõ ràng nhất qua các tình huống dừng khẩn cấp bất ngờ. Thay vì chỉ tác động lên trục sau của bánh xe dễ làm mất điều khiển tay lái, hệ thống sẽ thông qua hệ thống cân bằng thân xe ESP để phanh thuỷ lực lên tất cả 4 bánh giúp dừng xe lại một cách an toàn nhất với 1 lực nhỏ hơn chút so với lực phanh hoàn toàn cho tới khi tốc độ xe gần dừng lại. Hệ thống phanh tay điện tử mượt mà và đáng tin cậy hơn. Trong khi đó phanh tay cơ học thì lực phanh thường rất cứng nhắc, khiến cho xe dễ mất kiểm soát do chỉ có thể phanh được bánh sau cũng như khi không kéo đủ lực phanh. Hệ thống phanh tay điện tử cũng sẽ không tự động kích hoạt nếu lái xe không thắt dây an toàn hoặc 1 trong các cửa trên xe chưa đóng kín.
- Không gian nội thất xe sang trọng, hiện đại hơn: phanh tay điện tử có thiết kế rất nhỏ gọn, hiện đại chỉ là một nút bấm giúp cho không gian bên trong xe đẹp, sang trọng và tối giản hơn, tiết kiệm diện tích không gian cho khoang nội thất, bảng taplo hơn. Trong khi đó phanh tay cơ khí có cần gạt dài, kích thước lớn.
- Hạn chế rủi ro khi người lái quên sử dụng phanh tay hoặc hạ phanh tay không hết, đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền động của xe.
- Tránh được tình trạng bị kẹt phanh tay, bó phanh khi xe ô tô không được bảo dưỡng định kỳ.
>> Xem thêm: Phạt nguội là gì?
4.2. Nhược điểm của phanh tay điện tử
Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội về độ tiện nghi và tính an toàn, song hệ thống phanh tay điện tử vẫn tồn tại một vài hạn chế gây bất tiện cho người sử dụng như:
- Nhiều ý kiến cho rằng tuổi thọ sử dụng không cao do những chi tiết linh kiện điện tử thường có tuổi thọ thấp hơn chi tiết cơ khí, mặc dù tần suất hư hỏng của phanh tay điện tử không nhiều.
- Khi ắc quy của xe bị hết điện hoặc nguồn điện bị lỗi thì không thể sử dụng được phanh tay điện tử.
- Nếu hệ thống gặp trục trặc, hư hỏng thì chi phí để sửa chữa, thay thế hệ thống phanh điện tử khá cao, “đắt đỏ” hơn phanh cơ khí.
- Khi sử dụng phanh tay điện tử, nếu người lái đạp phanh, một số trường hợp xe có hiện tượng rung lắc nhẹ.
5. Cách sử dụng phanh tay điện tử trên ô tô
Với tính năng phanh tay điện tử tiện nghi và hiện đại giúp người lái thao tác nhanh hơn và tiện hơn nhưng không phải ai cũng biết cách dùng phanh tay điện tử đúng cách, đặc biệt là với những người lái mới. Có thể có sự khác biệt chút giữa từng nhà sản xuất xe hơi nhưng cơ bản, các bước sử dụng phanh tay điện tử đúng cách như sau:
Lưu ý: Trước khi sử dụng phanh tay điện tử, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, đảm bảo rằng bạn đã hiểu cách sử dụng phanh tay điện tử đúng. Nếu bạn chưa chắc chắn về cách sử dụng, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất hoặc liên hệ trung tâm bảo dưỡng để được hướng dẫn cụ thể.
Vị trí nút phanh tay điện tử và đèn báo trạng thái
Vị trí nút bấm phanh tay điện tử thường nằm gần cần số cạnh ghế lái hoặc trên bảng đồng hồ taplo của xe, có ký hiệu chữ P nằm trong một vòng tròn.
Khi kích hoạt phanh tay điện tử, đèn trên nút bấm sẽ sáng, đồng thời đèn báo chữ Ptrên mặt đồng hồ taplo sẽ sáng màu đỏ. Khi tắt chế độ phanh tay điện tử, 2 đèn trên sẽ tắt.
Kích hoạt phanh tay điện tử
- Nếu cần số đang ở vị trí không phải số P (đỗ xe), bạn hãy đạp phanh chân cho xe dừng hẳn, sau đó dùng ngón tay kéo nút (P) lên để khởi động hệ thống phanh tay điện tử và sử dụng.
- Khi kích hoạt, bạn sẽ nghe tiếng bíp, đèn trên nút bấm sẽ sáng hoặc thấy biểu tượng phanh tay hiển thị trên bảng điều khiển taplo của xe sáng màu đỏ.
Lưu ý: Không được kéo phanh tay khi xe đang di chuyển trừ trường hợp khẩn cấp. Nó có thể làm hỏng hệ thống xe và gây nguy hiểm cho sự an toàn khi lái xe. Nhiều dòng xe có cảnh báo khi bấm phanh tay điện tử trong khi đang di chuyển.
Hủy chế độ phanh tay điện tử
- Khi muốn nhả phanh tay điện tử, bạn đạp chân phanh, sau đó dùng ngón tay nhấn lẫy điều khiển (P) xuống. Lập tức, đèn trên nút bấm sẽ tắt và đèn cảnh báo phanh tay sẽ biến mất, báo hiệu phanh tay đã được nhả.
- Khi nhả, bạn cũng sẽ nghe tiếng bíp.
Lưu ý: Khi sử dụng hệ thống phanh tay điện tử, chỉ khi đạp phanh chân và nhấn nút bấm xuống thì phanh tay điện tử mới được nhả (Unlock) để đảm bảo xe không bị tuột dốc khi người lái quên đạp phanh mà lại nhả phanh tay.
Đối với trường hợp bạn quên nhả phanh tay mà vẫn vào số tiến hay lùi và đạp bàn đạp ga để cho xe di chuyển thì phanh tay điện tử tự Unlock để tránh tình trạng bó phanh, cháy phanh, bảo vệ động cơ cùng hệ thống truyền động không bị hư hại. Nhưng nếu lặp đi lặp lại quá nhiều lần có thể khiến cho hệ thống phanh cũng như phanh truyền động bị hư hỏng.
Nhiều mẫu xe khi lái xe không thắt dây an toàn, cài số D và cố tình nhả phanh tay điện tử. Trên màn hình Tablo sẽ hiện thông báo: Đạp chân phanh để nhả phanh tay điện tử.
Kích hoạt chế độ phanh tay điện tử tự động
Ngoài ra, phanh tay điện tử cũng có thể cài đặt chế độ tự động được kích hoạt khi xe dừng lại về số P và tắt máy, phanh tay sẽ tự động kích hoạt vào chế độ (Lock) gài phanh đảm bảo an toàn nếu tài xế quên kéo hoặc nhả phanh tay.
Ví dụ kích hoạt chế độ EPB tự động xe Toyota:
- Để kích hoạt chế độ tự động EPB, bạn hãy kéo nút phanh tay lên, giữ cho đến khi thông báo chức năng khóa liên động dịch chuyển EPB xuất hiện trên bảng đồng hồ. Phanh tay sẽ tự động được kích hoạt khi bạn vào số đỗ P. Khi xe về số di chuyển thì phanh sẽ tự động nhả ra.
- Để tắt chế độ tự động, bạn hãy nhấn và giữ nút cho đến khi biểu tượng EPB biến mất báo xác nhận rằng nó đã được tắt.
Ví dụ kích hoạt chế độ EPB tự động xe Mitsubishi:
- Bạn kéo lên và giữ công tắc phanh tay điện tử trong vòng 5s cho tới khi màn hình hiển thị đa thông tin xuất hiện thông báo “Auto Parking Brake ON” xác nhận chế độ phanh tay điện tử tự động đã được bật. Khi phanh tay điện tử đã ở chế độ phanh, nếu di chuyển cần số từ vị trí P sang D và đạp nhẹ bàn đạp ga, phanh sẽ được hạ và xe có thể lăn bánh. Khi dừng hẳn xe, di chuyển cần số từ vị trí D sang P, phanh tay điện tử sẽ được tự động chuyển sang trạng thái phanh.
- Để tắt chế độ phanh tay điện tự động, nhấn giữ công tắc phanh tay điện tử trong khoảng 5 giây cho đến khi màn hình hiển thị đa thông tin xuất hiện thông báo “Auto Parking Brake OFF” là chế độ đã được tắt.
Cách sử dụng phanh tay điện tử khi xe dừng đỗ, gặp đèn đỏ
Trường hợp dừng đèn đỏ lâu (cá nhân mình thì khoảng trên 30s) ở mặt đường bằng phẳng, bạn có thể về số N và kéo phanh tay điện tử EPB để nghỉ ngơi chân phanh trong giây lát, hiệu quả với những người phải lái xe liên tục nhiều giờ.
Khi muốn di chuyển, bạn chỉ cần đạp phanh chân, gạt cần số về D rồi tắt phanh tay điện tử để tiếp tục di chuyển.
Khi gặp vật cản nguy hiểm phía trước
Trường hợp khẩn cấp, bạn gặp vật cản nguy hiểm phía trước và cần phải dừng xe ngay lập tức, bạn có thể sử dụng phanh tay điện tử (EPB) theo các bước sau:
- Kéo nút phanh tay điện tử để kích hoạt phanh.
- Đạp chân phanh xuống mạnh để giảm tốc độ hoặc dừng xe.
- Nếu cần thiết, bạn có thể gạt cần số về P để đảm bảo xe không di chuyển. Lưu ý, việc kéo cần số về P này có thể gây ra một số trục trặc về hệ thống phanh, vì vậy nên chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Lưu ý: Hệ thống phanh tay điện tử có thể không phản ứng nhanh kịp thời bằng hệ thống phanh chính, bạn cần sử dụng phanh chính trước, sau đó mới kích hoạt phanh tay điện tử để đảm bảo an toàn khi dừng xe.
Theo một thử nghiệm trên chiếc Mitsubishi Outlander về tính năng an toàn của phanh tay điện tử, khi xe đang di chuyển với tốc độ thấp và kéo phanh tay điện tử thì chiếc xe sẽ dừng lại trong giây lát. Với tốc độ di chuyển trung bình (50km/h) khi kéo phanh tay điện tử thì chiếc xe không dừng đột ngột mà sẽ giảm tốc độ từ từ đến khi dừng hẳn giống như khi rà phanh chân.
Cách sử dụng phanh tay điện tử khi chân phanh không sử dụng được
Nếu phanh chân bị hỏng hoặc không sử dụng được, bạn có thể sử dụng phanh tay điện tử để dừng xe như sau:
- Đầu tiên, hãy giảm dần tốc độ của xe bằng cách nhả chân ga, chuyển sang số thấp hơn hoặc sử dụng hệ thống phanh khẩn cấp (phanh đĩa) nếu có.
- Kéo nút phanh tay điện tử để kích hoạt phanh tay.
- Sau khi đã dừng xe, bạn có thể gạt cần số về P để đảm bảo xe không di chuyển.
6. Các lưu ý khi sử dụng phanh tay điện tử an toàn, hiệu quả
Bên cạnh những kiến thức về hệ thống phanh tay điện tử EPB, theo kinh nghiệm lái xe của các chuyên gia, bạn cần chú ý những điều sau đây trong quá trình sử dụng chức năng này để đảm bảo lái xe an toàn cũng như kéo dài tuổi thọ của hệ thống:
- Không nên di chuyển xe khi đèn cảnh báo phanh tay điện tử vẫn đang sáng. Mặc dù hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ Unlock khi đạp ga nhưng nếu việc này liên tục sẽ khiến hệ thống phanh và hệ thống truyền động của xe bị hư hỏng nhanh chóng.
- Trong quá trình sử dụng phanh tay điện tử có tiếng động lạ, rung lắc nhẹ, đây là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường khi sử dụng hệ thống phanh tay điện tử như có tiếng động lạ lớn, xe rung lắc mạnh, đèn cảnh báo trên tablo,… bạn nên kiểm tra hoặc mang xe đi bảo dưỡng hoặc đưa xe tới garage kiểm tra khắc phục. Giống như các hệ thống điện tử, phanh tay điện tử có thể gặp vấn đề về dây dẫn, mạch điện,…
7. Những dòng xe có trang bị phanh tay điện tử tại Việt Nam
Dưới đây là bảng tham khảo các thương hiệu xe và các dòng xe đang được trang bị hệ thống phanh tay điện tử tại Việt Nam:
Thương hiệu | Dòng xe |
BMW | 3 Series, 5 Series, 7 Series, X3, X5, X6, i3 |
Mercedes-Benz | C-Class, E-Class, S-Class, GLC, GLE, GLS |
Audi | A3, A4, A6, A7, A8, Q3, Q5, Q7, Q8 |
Lexus | ES, LS, NX, RX, GX, LX |
Toyota | Camry, Corolla Cross, Fortuner, Innova, Vios, Veloz Cross, Corolla Altis, Land Cruiser 300 |
Honda | Civic, Accord, CR-V, Odyssey, HR-V |
Mitsubishi | Outlander, Xpander, Pajero Sport |
Ford | Everest, Territory |
Hyundai | Elantra, Sonata, Santa Fe, Palisade, Tucson, Creta |
Mazda | Mazda 3, Mazda 6, CX-5 |
Danh sách trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và có thể không đầy đủ. Có thể thấy rõ hanh tay điện tử hiện không còn là trang bị chỉ có mặt trên các xe sang nữa. Thay vào đó, hệ thống phanh tay điện tử ngày càng được áp dụng rộng rãi trên nhiều dòng xe ô tô bình dân nhờ ưu điểm nổi trội trong tính tiện dụng và an toàn vận hành. Thậm chí, phanh tay điện tử còn trở thành 1 trong số những tiêu chí quan trọng để chọn mua ô tô của người dùng Việt Nam.
Tổng kết
Trên đây là những thông tin chi tiết về hệ thống phanh tay điện tử là gì, cấu tạo, nguyên lý hoạt động, ưu nhược điểm và cách sử dụng phanh tay điện tử an toàn, hiệu quả. Hy vọng rằng bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích về tính năng thông minh, hiện đại này giúp cho quá trình lái xe được tốt nhất.
Đừng quên đăng ký theo dõi Tipcongnghe.com để đón đọc những bài viết về công nghệ, kinh nghiệm lái xe, kiến thức lái xe mới nhất nhé!